Thừa cân, béo phì ở trẻ em – Có phải càng bụ bẫm càng tốt?

MẸ & BÉ

Thừa cân, béo phì ở trẻ em – Có phải càng bụ bẫm càng tốt?

authorBy Đỗ Hạnh Trang
Share on
Share on
Thừa cân, béo phì ở trẻ em – Có phải càng bụ bẫm càng tốt?


Các bậc phụ huynh thường lo lắng khi con mình không to lớn như những đứa trẻ đồng trang lứa. Khách đến chơi nhà thường khen “Trộm vía, mẹ nuôi mát tay, em bé bụ bẫm quá!”. Nhưng có phải càng bụ bẫm, càng tăng cân nhiều là tốt? 


Có thể bạn không biết, thừa cân, béo phì ở trẻ em là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Số lượng trẻ thừa cân, béo phì tại Việt Nam đã tăng 10 lần so với năm 1976. Thừa cân, béo phì là gánh nặng thể chất, tâm lý, xã hội nặng nề đối với sự phát triển và cuộc sống của trẻ. Nếu bạn không tin, nếu bạn vẫn cương quyết cho rằng càng bụ bẫm càng tốt, hãy đọc bài viết này ngay.


Thừa Cân, Béo Phì Ở Trẻ Em Có Phổ Biến Không?


Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới thống kê có 38 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC, năm 2016, Mỹ có 13,7 triệu trẻ em và thanh thiếu niên thừa cân, béo phì, chiếm 18,5% dân số trong độ tuổi 2 – 19. Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam báo cáo 29% trẻ em từ 6 – 18 tuổi thừa cân, béo phì (số liệu năm 2017 – 2018). Con số này đã tăng gấp 10 lần trong hơn 40 năm. Những số liệu này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng phổ biến và nghiêm trọng ở trẻ em.


Thế Nào Là Thừa Cân, Béo Phì Ở Trẻ Em?


Thừa cân, béo phì được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc dư thừa, làm suy giảm sức khỏe của trẻ. Cách xác định dựa vào cân nặng, chiều cao/ chiều dài và lứa tuổi. 


Các bước xác định thừa cân, béo phì ở trẻ 0 - 5 tuổi: 


Bước 1: Lựa chọn biểu đồ tham chiếu theo giới, tuổi

Bước 2: Xác định cân nặng và chiều cao/ chiều dài của trẻ

Bước 3: Dóng cân nặng và chiều cao theo 2 đường vuông góc. Xác định giao điểm của 2 đường dóng. Nếu giao điểm nằm trong vùng màu cam, trẻ bị thừa cân. Nếu giao điểm nằm trong vùng màu đỏ, trẻ bị béo phì. Vùng màu xanh là cân nặng phù hợp với chiều cao.







Các bước xác định thừa cân, béo phì ở trẻ 5 - 19 tuổi: 


Bước 1: Lựa chọn biểu đồ tham chiếu theo giới

Bước 2: Xác định BMI của trẻ theo công thức: BMI = cân nặng/ chiều cao bình phương. Trong đó, cân nặng tính theo kilogam, chiều cao tính theo mét. Ví dụ: trẻ nặng 40 kg, cao 140cm thì BMI của trẻ là 40/(1,4)2 = 20,41.

Bước 3: Dóng BMI và tuổi theo 2 đường vuông góc. Xác định giao điểm của 2 đường dóng. Nếu giao điểm nằm trong vùng màu cam, trẻ bị thừa cân. Nếu giao điểm nằm trong vùng màu đỏ, trẻ bị béo phì. Vùng màu xanh là BMI bình thường theo tuổi.


Tác Hại Của Thừa Cân, Béo Phì Đối Với Sức Khỏe Và Cuộc Sống Của Trẻ


Sự khỏe mạnh không thể hiện đơn thuần ở chỉ số cân nặng. Cân nặng quá lớn khiến trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Ba vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến thừa cân, béo phì ở trẻ em là đái tháo đường, hội chứng ngừng thở khi ngủ và các bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, gan nhiễm mỡ, hen phế quản, bất thường kinh nguyệt, các vấn đề về xương khớp… cũng thường gặp. 


Điều đáng lo ngại là những hậu quả này sẽ tồn tại và kéo dài suốt cuộc đời trẻ. Không bố mẹ nào muốn một cậu bé 10 tuổi đáng lẽ được vui chơi, đến trường lại phải ra vào bệnh viện liên tục. Có bố mẹ nào không xót xa cho đứa con 30 tuổi đáng lẽ đang sung sức về thể chất và sự nghiệp lại phải dùng nhiều loại thuốc để kiểm soát đường huyết, huyết áp, cholesterol máu. Gánh nặng sức khỏe mà thừa cân, béo phì đem lại cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội sẽ xuyên suốt thời thơ ấu, tuổi trưởng thành tới khi về già.


Bên cạnh vấn đề về thể chất, sức khỏe tâm lý – xã hội của trẻ thừa cân, béo phì cũng bị sụt giảm nghiêm trọng. Trẻ thừa cân, béo phì thường bị trêu chọc, bắt nạt và kỳ thị ở trường lớp. Những đứa trẻ to béo không nhanh nhẹn như các bạn đồng trang lứa nên khó có cơ hội tham gia các cuộc thi, hoạt động đòi hỏi thể chất. Chính điều này đã góp phần tạo nên sự tự ti và suy nghĩ tiêu cực ở trẻ. Trẻ thường thu mình, ít giao tiếp. Kết quả học tập của trẻ thừa cân, béo phì cũng kém hơn các bạn.


Tất cả những tác động tiêu cực về thể chất và tinh thần trên sẽ tàn phá sức khỏe và cuộc sống của trẻ. Đó chính là lý do bụ bẫm, to lớn chưa hẳn đã tốt. Rắn rỏi, nhanh nhẹn, tự tin, hòa đồng mới là cái đích, là lời khen tuyệt vời dành cho sự phát triển của con trẻ.



Nguyên Nhân Thừa Cân, Béo Phì Ở Trẻ Em


Nguyên nhân phổ biến dẫn đến thừa cân, béo phì ở trẻ em là chế độ dinh dưỡng không hợp lý và thói quen ít vận động. Trẻ em thường thích đồ ngọt, quà vặt, thức uống có ga, thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, đồng thời ít ăn rau quả, trái cây. Những thực phẩm này không chỉ ảnh hưởng tới cân nặng mà còn tác động xấu tới hệ tiêu hóa và răng miệng của trẻ. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, con trẻ ngày càng dành ít thời gian vui đùa ngoài trời. Những trò chơi đuổi bắt, trốn tìm đã được thay thế bằng phim hoạt hình trên tivi, điện thoại. Sự giới hạn không gian vui chơi đẩy trẻ lại gần trò chơi điện tử hơn là nhảy dây, đá cầu. 

Tuy nhiên, khoảng 20% trẻ thừa cân, béo phì do nguyên nhân bệnh lý. Ví dụ u não, tổn thương não bộ sau phẫu thuật, chấn thương sọ não, các bệnh lý nội tiết (suy giáp, cường vỏ thượng thận, thiếu hormone tăng trưởng…) hoặc do sử dụng thuốc kéo dài (corticoid, depakin). Khi bố mẹ thấy trẻ thừa cân, béo phì kèm theo các triệu chứng bất thường như đau đầu, nhìn mờ, vàng da, chậm phát triển vận động – trí tuệ, rậm lông, kinh nguyệt bất thường… thì nên cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.



Cách Phòng Tránh Và Khắc Phục


Biện pháp tốt nhất để phòng tránh và khắc phục tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ là xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể lực.


Đối với trẻ nhỏ, nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm thiểu nguy cơ thừa cân, béo phì. Khi con bắt đầu ăn dặm, bố mẹ nên tập cho trẻ thói quen ăn rau và hạn chế tối đa bánh kẹo, bim bim. Giảm thiểu các món chiên, nướng, xào, đồ ngọt, thức uống có ga.


Sử dụng hoa quả, sữa chua, sữa không đường làm các bữa phụ. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh. Không để trẻ quá đói, không nên ăn sát giờ đi ngủ. Không cắt giảm quá nhiều khẩu phần ăn và bắt trẻ giảm cân nghiêm ngặt. Trẻ em cần năng lượng và chất dinh dưỡng để phát triển. Vì thế chế độ dinh dưỡng vẫn cần đầy đủ 5 nhóm chất: tinh bột, đạm, dầu, chất xơ, vitamin và khoáng chất.


Các bậc phụ huynh nên tạo niềm vui thích cho trẻ với các hoạt động vui chơi ngoài trời. Khuyến khích và hướng dẫn trẻ làm việc nhà là một biện pháp hữu ích. Trẻ vừa có cơ hội vận động vừa biết cách giúp đỡ bố mẹ. Nên hạn chế thời gian xem tivi, điện thoại và chơi điện tử của trẻ.


Bên cạnh đó, bố mẹ cần thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao của con để điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập cho phù hợp.


Bố mẹ hãy hiểu rằng không phải cứ bụ bẫm, cứ to lớn là tốt. Đừng tham gia vào cuộc chạy đua cân nặng. Hãy là những vị phụ huynh sáng suốt để con trẻ được khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

About the author

Hạnh Trang là bác sĩ nhưng không theo đuổi màu áo blouse trắng. Cô quyết định trở thành cây viết tự do về sức khỏe. Thay vì kê đơn chữa bệnh, cô muốn dùng kiến thức y học và con chữ để giúp mọi người sống khỏe mạnh theo đúng định nghĩa của nó: đủ đầy về thể chất, tinh thần và xã hội.

Theo dõi Hạnh Trang tại: https://hanhtrang.co/

author

Đỗ Hạnh Trang

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!