Trẻ sơ sinh có xu hướng nấc rất thường xuyên, nhiều lần trong ngày. Vậy nấc cụt có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không, cha mẹ nên xử trí ra sao khi con bị nấc cụt?
Nấc Cụt Là Gì?
Nấc cụt là hiện tượng xuất hiện những cơn co thắt bất ngờ không thể tự chủ từ cơ hoành, các cơn này bị ngắt quãng và lặp đi lặp lại.. Mỗi khi cơ hoành co lại, các cơ xung quanh dây thanh âm của bạn cũng đóng lại, đó là nguyên nhân gây ra tiếng nấc “hic” đặc trưng.
Đôi khi nấc còn kèm theo cảm giác tức ngực, hoặc ợ hơi, ợ chua. Trẻ sơ sinh thường xuyên bị nấc cụt hơn trẻ lớn và người lớn. Hầu hết các cơn nấc cụt dường như làm phiền cha mẹ nhiều hơn là trẻ.
Tuy nhiên, đôi khi chúng có thể gây khó chịu cho em bé của bạn và trong một số trường hợp hiếm hoi đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế phức tạp hơn.
Trẻ Bị Nấc Ngay Từ Khi Trong Bụng Mẹ
Bắt đầu từ nửa cuối thai kỳ, em bé của bạn phát triển phản xạ nấc cụt. Điều này xảy ra ngay cả trước khi phản xạ nuốt hoặc hô hấp của chúng phát triển. Bạn thậm chí có thể đã cảm thấy con mình nấc cụt trong bụng. Cảm giác như những cơn co thắt nhỏ hoặc giật nhẹ.
Sau khi em bé của bạn được sinh ra, nấc cụt là rất thường xuyên trong năm đầu tiên của cuộc đời. Trẻ sơ sinh của bạn có thể dành đến 2,5% thời gian trong ngày để nấc cụt
Nguyên Nhân Gây Nấc Cụt Ở Trẻ Sơ Sinh
Hầu hết các trường hợp nấc cụt ở người lớn là do uống một thứ gì đó quá nhanh, khó tiêu, ăn quá nhiều, nuốt phải không khí trong khi ăn, uống đồ uống có ga, căng thẳng cảm xúc hoặc thậm chí thay đổi áp suất không khí. Nấc cụt ở trẻ sơ sinh cũng có những nguyên nhân tương tự:
- Ăn quá nhanh/ quá no
Điều này có thể xảy ra nếu bạn đang sử dụng bình sữa có núm vú to, chảy nhanh hoặc do con đói, háu ăn nên mút nhanh. Trẻ bắt đầu ăn dặm có thể bị nấc nếu chúng được cho ăn quá nhiều cùng một lúc hoặc cho bữa ăn quá lớn mà hệ tiêu hóa của chúng không thể xử lý.
- Nhu cầu ợ hơi
Nấc cụt là cách em bé thải không khí thừa ra khỏi dạ dày
- Nuốt không khí
Trẻ nuốt nhiều không khí nhất là khi con vừa khóc xong mẹ đã cho bú liền hoặc khi bú bình. Vì khi bú bình không đúng cách khiến cho bé nuốt được một lượng khí đáng kể vào dạ dày. Khi đạt vượt ngưỡng chịu đựng của dạ dày, nó tạo kích thích khiến cơ hoành bị co thắt và tạo tiếng nấc.
- Trào ngược dạ dày
Về cơ bản, hệ tiêu hóa của trẻ lúc đầu chưa phát triển, có thể khiến trẻ trào ngược axit trong dạ dày.
Làm Thế Nào Để Ngăn Chặn Cơn Nấc Cụt
Nấc cụt là rất bình thường ở trẻ sơ sinh và thường giảm tần suất sau vài tháng đầu hoặc năm đầu đời của trẻ.
Tuy nhiên, nếu con bạn có vẻ không thoải mái, nấc cụt đi kèm với khóc nhiều, khạc nhổ hoặc ợ hơi — hoặc nếu tiếng nấc ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt của trẻ thì cha mẹ có thể tham khảo một số cách:
Cho bé ợ hơi
Cho bé ợ hơi như ấn nhẹ lên bụng của trẻ rồi xoa lưng nhẹ nhàng.
Bạn có thể cho bé ợ hơi bằng cách đặt bé trên vai, bụng áp vào bạn. Sau đó, bạn có thể nhẹ nhàng vỗ lưng để trẻ ợ hơi ra ngoài. Bạn cũng có thể đặt trẻ dựa vào chân bạn, úp bụng xuống, vỗ lưng.
Hãy lưu tâm khi bạn cho bé bú
Nếu cho trẻ bú bình: Không nên để trẻ quá đói mới cho bú và cũng không nên cho bé bú quá no. Với những bé bú bình thì không cho bé bú quá nhanh và cần nâng cao đầu trẻ sau khi cho trẻ ăn xong. Cho trẻ nghỉ các khoảng trong suốt thời gian bú.
Bạn có thể thử các loại núm vú bình sữa khác nhau. Sử dụng núm vú có kích thước không quá lớn có thể hạn chế được hiện tượng nấc cụt vì nó có thể giúp bé không có nguy cơ nuốt quá nhiều không khí khi ăn sữa.
Nếu cho con bú: Thay đổi tư thế cho con bú. Nếu thấy bé thường xuyên có dấu hiệu nấc sau khi ăn xong thì mẹ nên đổi tay hoặc đổi cách bế để hạn chế không khí vào miệng và dạ dày bé
Cho con dùng núm ti giả
Việc bé mút ti giả sẽ làm thư giãn cơ hoành và giảm hoặc loại bỏ cơn nấc của trẻ. Ti giả cũng có tác dụng làm dịu lại những khó chịu của bé, giúp bé cảm thấy thoải mái hơn.
Điều trị trào ngược dạ dày
Bác sĩ sẽ chẩn đoán và có thể đề nghị dùng thuốc để giúp bé hết trào ngược và giảm nấc cụt.
Mặc dù hầu hết các trường hợp bé bị nấc cụt đều không đáng lo ngại, cơn nấc sẽ tự biến mất. Nhưng bạn là người hiểu rõ con mình nhất, vì vậy nếu bé có vẻ khó chịu, hãy cẩn trọng xem xét điều đó.
Đôi khi nấc cụt có thể thực sự làm phiền em bé của bạn. Thông thường, những cơn nấc cụt khó chịu này đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như ợ hơi, nôn mửa hoặc đầy hơi. Đôi khi, em bé của bạn sẽ bị nấc cụt đến mức không thể bú hoặc ngủ suốt đêm.
Hãy nhớ những lời khuyên, mẹo chữa trị dân gian,và những gì bạn đọc trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo. Trong những trường hợp này hãy tới gặp bác sĩ có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra và đưa ra các giải pháp.
About the author
Ngo Thu Trang